Cụm di tích Đình, Đền, Chùa Xuân Úc xã Bắc Hưng là một di tích được UBND Thành phố công nhận là di tích lịch sử vào năm 2001 được tọa lạc trên nền đất của làng Xuân Đô Trang cổ, nằm ở lưu vực sông Văn Úc, sau phát triển đổi thành hai làng Xuân Úc và Kỳ Úc, nay là xã Bắc Hưng, Tiên Lãng, Hải Phòng.
Thời phong kiến làng Xuân Úc là một trong chín làng thuộc Tổng Dương Áo (Dương Úc). Năm 1901 làng Xuân Úc cùng các làng Bạch Xa, Trung Nghĩa, Kỳ Úc, Vân Đô, Thúy Niễu tách khỏi Tổng Dương Áo thành lập Tổng Kỳ Úc. Năm 1927 Tổng Kỳ Úc đổi thành Tổng Xuân Úc. Sau Cách Mạng tháng 8 năm 1945 giải thể Tổng Xuân Úc thành lập xã Chấn Hưng, tháng 6 năm 1956 tách xã Chấn Hưng thành 2 xã Tiên Hưng và Chấn Hưng. Tháng 6 năm 1958 sát nhập 2 xã Tiên Hưng và Chấn Hưng thành xã Chấn Hưng. Đến năm 1981 tách xã Chấn Hưng thành 2 xã Bắc Hưng và Nam Hưng. Năm 1986 dãn dân 2 xã Bắc Hưng, Nam Hưng và di dân các xã trong huyện đến thành lập thêm 2 xã vùng kinh tế mới Đông Hưng và Tây Hưng.
Hiện nay Đình, Đền, Chùa Xuân Úc thuộc địa bàn xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Đình, Đền Chùa Xuân Úc đứng liền nhau tạo thế chân kiềng vững trãi, có phong thủy âm dương điều hòa với cây Đa bến nước sân Đình soi bóng cạnh hồ nước phong quang mát mẻ. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, Đình, Đền, Chùa Xuân Úc vẫn tồn tại và phát triển cho tới ngày nay. Nơi đây là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân bốn xã Tứ Hưng và khách thập phương.

Chùa Phong Quang (Chùa Xuân Úc) được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1590, niên hiệu Hưng trị Mạc Mậu Hợp (1562 – 1592) gồm 5 gian nhà gỗ, hướng Nam, lợp cói. Trải qua biến cố của lịch sử, hiện chùa còn lưu được các di, văn, kim thạch, còn một số bia ký đã bị thất lạc. Quá trình trùng tu, tôn tạo, xây mới, thể hiện qua các dấu mốc Thác bản văn bia còn lưu của 2 bia ký (trùng tu Phong Quang tự, tân tạo Phong Quang tự) và một cột đá Thiên Đài. Chùa Phong Quang là một ngôi chùa khá cổ, thời kỳ đó chùa là trung tâm tín ngưỡng Phật giáo của cư dân ba làng Xuân Úc, Kỳ Úc và Vân Đô xưa. Năm 1936 niên hiệu Bảo Đại (1925 – 1945). Chùa Phong Quang được xây dựng mới bằng gỗ lim 5 gian hướng Tây Nam, sau đó được sửa chữa 2 lần vào năm 1959 và năm 1989. Năm 2007, chùa Phong Quang được tôn tạo, xây mới, mở rộng về phía Nam với khuôn viên rộng rãi, khang trang, kiến trúc được giữ lại nét hoa văn cổ truyền thống, kết hợp phong cách đẹp của thời hiện đại.
Chùa thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, bồ tát Quan Thế Âm, Đại Thế Chí; Phật Di Đà, Phật Tam Thế, Đức Ông, Ngọc Hoàng Tam Thiên Đế Thích. Trải quan nhiều biến cố của lịch sử, nhiều chế độ xã hội khác nhau, chùa Phong Quang vẫn tồn tại và phát triển. Ngày nay chùa là trung tâm tín ngưỡng Phật giáo của nhân dân vùng Tứ Hưng và khách thập phương.
Đình Đoài (Đình Xuân Úc) được xây dựng năm 1631 niên hiệu Long Thái Mạc Kính Khoan (1623 -1638) với kiến trúc ba gian hai trái, mái đao cong được trạm trổ những đường nét hoa văn tinh xảo. Trải qua chiều dài lịch sử, đình được trùng tu, sửa chữa vào các năm 1691 - 1751 - 1811 - 1871 - 1931. Ngày ấy đình là của làng Xuân Úc, sau nhiều năm làng Xuân Úc phát triển dân cư đông đúc sau lập ra hai thôn: thôn Đoài và thôn Đông, khi thôn Đông xây đình riêng gọi là đình Đông, đình Xuân Úc nằm ở thôn Đoài nên đổi thành đình Đoài. Năm 1954 do biến cố của lịch sử đình Đoài không còn tồn tại. Năm 1956 từ cung cũ dựng lại 3 gian nhỏ, đến năm 1991 dựng lại mới 3 gian có vọng cung, sau đó đã được sửa chữa 2 lần năm 1993 và năm 1997. Năm 2019 Đình Đoài lại được đầu tư xây mới 5 gian tiền tế, 3 gian hậu cung với chất liệu gỗ lim to đẹp, khang trang như ngày nay.
Sau nhiều biến cố lịch sử hiện nay các văn bia tại đình đã mất, chỉ còn lưu lại được các thác bản văn bia và một số di văn kim thạch. Đình Đoài thờ 2 vị thần thành hoàng là bộ tướng thời Hùng Vương. Vị thần sớm nhất là Thượng Đẳng Thần: Quý Minh Đại Vương tên húy là Cao Tuấn, hiện còn 13 sắc phong. Sắc sớm nhất là ngày 26 tháng 7 năm thứ 44 niên hiệu Cảnh Hưng 1783, Sắc muộn nhất là ngày 25 tháng 7 năm thứ 9 niên hiệu Khải Định 1924. Vị thần thứ hai là Trung Đẳng Thần: Đô Thống Tôn Thần tên húy là Thanh, hiện còn 7 sắc phong. Sắc sớm nhất là ngày 12 tháng 10 năm thứ 6 niên hiệu Thiệu Trị 1846. Sắc muộn nhất là ngày 25 tháng 7 năm thứ 9 niên hiệu Khải Định 1924. Đình Đoài gắn liền với hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình vẫn in đậm dấu ấn lịch sử là trung tâm văn hóa của làng Xuân Úc xưa, là cơ sở cách mạng của xã Chấn Hưng trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đền (phủ) Xuân Úc được xây dựng năm 1840 niên hiệu Minh Mạng (1820-1840) gồm 5 gian nhà gỗ, hướng Tây Nam, lợp cói. Đền được sửa chữa, trùng tu 2 lần vào các năm 1863, 1869 sau đó xuống cấp phải làm lại. Đền được xây dựng lần thứ 2 vào năm 1890 niên hiệu Thành Thái (1889 – 1907) gồm 3 gian tiền tế và 2 gian hậu cung bằng gạch lợp ngói. Trải qua chiều dài lịch sử đền được trùng tu, sửa chữa vào các năm 1918, 1931, 1947. Năm 1954 đền bị giặc Pháp đánh bom bị bay xoạc mái. Năm 1956 lợp lại mái và sau đó được trùng tu sửa chữa vào các năm 1993, 1997. Năm 2012, đền được đầu tư xây dựng mới ngôi đền Mẫu, khuôn viên được tôn tạo mở rộng, làm sân, kè hồ, trồng cây xanh, đặt ghế đá, khang trang, to đẹp như ngày nay. Năm 2012, đền được đầu tư xây dựng mới ngôi đền Mẫu, khuôn viên được tôn tạo mở rộng, làm sân, kè hồ, trồng cây xanh, đặt ghế đá, khang trang, to đẹp như ngày nay.
Đền thờ Quận chúa Trần Thị Ngọc (hiệu là Ngọc Thanh Công Chúa) triều Trần, người có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13. Được triều Nguyễn sắc phong là Trung Đẳng Thần với danh hiệu “Đức Kim Hoa Thần Mẫu”, hiện nay còn lưu hai sắc phong tại địa phương, là vị thần rất giỏi về các mặt Nho, Y, Lý, Số đã phù hộ độ trì cho cư dân làng Xuân Úc, Kỳ Úc, Vân Đô trước đây cũng như nhân dân bốn xã Tứ Hưng và khách thập phương hiện nay. Đặc biệt là vị thần rất linh ứng giúp người dân làm việc thiện. Nơi đây là trung tâm tín ngưỡng dân gian của vùng bốn xã Tứ Hưng và khách thập phương, tiếng anh linh vang dội khắp vùng.
Hàng năm cứ đến ngày 26, 27, 28 tháng 02 âm lịch, nơi đây mở lễ hội linh đình, tế lễ cầu mong cho Quốc Thái dân an, cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tươi tốt bội thu. Để tưởng nhớ người có công với dân làng, quê hương, đất nước, lễ hội được tổ chức rất trang nghiêm. Sau phần lễ là phần hội, có nhiều trò chơi như: đấu vật truyền thống, bơi thuyền, chơi đu, cờ tướng, chọi gà, tối đến xem sân khấu hát Chèo, hát Văn, hát Quan họ, diễn Kịch, hát Dân ca… Lễ hội được duy trì và tồn tại cho đến ngày nay.