Đình làng Ninh Duy nơi thờ linh thiêng của cộng đồng, không gian sinh hoạt Văn hóa và là nhân chứng của lịch sử, nơi thờ tự 4 vị thành hoàng làng:
Bao đời nay, khi nói tới văn hóa làng chúng ta liên tưởng ngay những hình ảnh mang tính biểu tượng đó là “Cây đa, bến nước, sân đình”. Đình làng không chỉ là nơi thờ linh thiêng của cộng đồng, là không gian sinh hoạt Văn hóa mà còn là nhân chứng của lịch sử, trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của thời gian, Đình làng Ninh Duy nơi thờ tự 4 vị thành hoàng làng:
Bản Phường Bạt Hải Hoàng Thái Hậu đại vương, tên húy Hải, không rõ ngày sinh, hóa ngày 19-11, khánh hạ ngày 10/1, có công âm phù vua Trần Anh Tông khỏi nạn phong ba.
Mộc Cai Vỹ Văn Hiển Ứng Đại vương, tên húy văn, sinh ngày 15/11, hóa ngày 10/12.
Minh Nông Linh Ứng Đại Vương, tên húy Minh, không rõ ngày sinh, ngày hóa, hiển thánh ngày 15/8.
Hiển khoát Linh Ứng Đại Vương, tên húy Khoát, không rõ ngày sinh hóa, hiển thánh ngày 15/8.

Ngày tế lễ hàng năm: vào các ngày sinh, ngày hóa và ngày hiển thánh của các vị thành hoàng, làng tổ chức lễ tế rất long trọng ngoài ra còn tế kỳ an vào tháng giêng (chọn ngày tốt).
Đây là ngôi Đình rất linh thiêng, các cụ xưa truyền lại rằng dân trong làng có sự kiện gì thường ra đình làm lễ cầu xin các vị thần hoàng được thờ trong đình, các vị phù hộ độ trì và ứng nghiệm ngay. Như trong thần tích - thần sắc của làng còn ghi rõ, khi vua Trần Anh Tông cùng đoàn tùy tùng bị cơn phong ba nổi lên đánh thuyền trôi dạt từ cửa biển vào trang An Cương xưa (nay là làng Ninh Duy), khi được dân làng ra cứu nạn rồi đưa nhà Vua về nghỉ tại ngôi Miếu của làng, đến khua nhà Vua thấy một người hình dung yểu điệu, mặt hoa ra phấn, quần áo chỉnh tề, diện mạo phương phi, bước vào miếu và dừng lại xưng “ta là Bạt Hải phu nhân …. Nhân dân ở đây thờ ta là thần Hoàng, thường được quốc đảo dân cầu anh linh, nay thấy nhà vua tuần du hải đảo bị phong ba trôi dạt vào đây, âm phù ta xuất hiện giúp đỡ, cứu nạn”. Nói rồi bà tự biến mất, nhà vua tỉnh dậy vội báo với quan quân và dân làng mua sắm lễ vật cùng nhau tạ lễ. Khi trở về triều nhà vua nhờ ơn âm phù dương trợ tại An Cương đã quyết định đổi tên An Cương thành trang Ninh Duy (vì đã duy trì an toàn cho nhà Vua và đoàn tùy tùng qua cơn phong ba, hoạn nạn). Chính sự linh thiêng đó, ngày xưa vào các ngày sinh, ngày hóa của các vị thần hoàng như đã nêu ở trên, làng tổ chức tế lễ rất linh đình. Ngày hội Làng, thường chọn ngày tốt trong tháng giêng làm ngày “lễ cầu an” cho làng cả năm. Đây là một nét đẹp truyền thống, để con dân, cháu làng xa gần nhớ đến tổ tiên, nhớ đến những người có công xây dựng làng, vào những ngày này người dân thường về thắp hương tri ân những người có công với dân, với làng, với nước. Đây cũng là cơ hội để mọi người trong làng giao lưu giúp thắt chặt tình làng, nghĩa xóm.
Cũng tại ngôi đình này cụ Nguyễn Văn Sơ, Người của làng là đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam từ năm 1930 đã treo cờ đỏ búa niềm trên cây đa trước sân đình, bên cạnh chợ Nhàn, dải truyền đơn của Đảng kêu gọi quần chúng chống lại cường quyền áp bức, đây cũng là nơi diễn ra cuộc mít tinh của Việt Minh huyện Tiên lãng phát động quần chúng nhân dân đứng lên giành chính quyền vào đầu năm 1945.
Năm 1947, thực hiện tiêu thổ kháng chiến đình làng phải rỡ bỏ, đến năm 2008, khi ấy ông Vũ Đình Việt làm trưởng làng đã đứng lên vận động nhân dân trong làng cùng nhau chung sức xây dựng lại ngôi đình làng trên nền đất cũ bằng hình thức xã hội hóa, toàn bộ kinh phí xây dựng do con dân, cháu làng tham gia đóng góp, có những người phát tâm đóng góp tới vài trăm triệu đồng.
Hiện nay, đình làng Ninh Duy được xếp hạng Di tích lich sử Cách mạng cấp Thành phố.