Domea là một bến cảng cửa khẩu ở vùng cửa sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII- XVIII, có nhiều tầu thuyền ngoại quốc (nhất là tầu thuyền của người Hà Lan và người Anh) ra vào. Cái tên Domea xuất hiện rất phổ biến trong các tập bản đồ, các trang tư liệu liên quan đến hoạt động thương mại của người phương Tây đương thời.bến cảng Domea chắc chắn có liên quan (trực tiếp hay gián tiếp) đến khu vực “Mè” ở phía tây bắc huyện Tiên Lãng thành phố Hải Phòng ngày nay. Dân gian quan niệm thế đất của huyện Tiên Lãng là “đầu Mè, đuôi úc, giữa khúc Trung Lăng”.
Gọi là “đầu Mè” vì ở phía tây bắc đầu huyện và làm ranh giới với huyện Tứ Kỳ có sông Đò Mè (là tên địa phương của một đoạn trung lưu sông Thái Bình), chợ Mè, bến Mè và nhiều đền, miếu, cây đa, vườn Đồn, vườn Quan, phố Huyện cũng mang tên “Mè”. Phố huyện Mè và phế tích các công trình kiến trúc có nhiều khả năng là di tích phủ huyện Tiên Minh đầu đời Nguyễn. Chắc chắn có nhiều thuyền buôn Anh - như ghi chép của William Dampier - đã ngược lên phía trên Domea khoảng vài ba dặm rồi mới thả neo và tiến hành buôn bán, cho nên nếu như có tìm ra được các dấu tích hoạt động thương mại của người phương Tây ở đây thì cũng không có gì đặc biệt và hoàn toàn không phải là chứng cứ để xác định vị trí chính xác của Domea. Sông Đò Mè còn có tên nữa là sông Lấp vì trong mấy chục năm gần đây nhiều đoạn sông đã biến thành đồng ruộng, xóm làng, nhiều đoạn dấu tích dòng sông chỉ còn là một con mương nhỏ. Chúng tôi cho rằng sông Đò Mè chính là “dòng sông đối diện” tạo nên một cái vịnh mà Abbé Richard đã mô tả ở trên, còn dòng sông Domea mà William Dampier nói đến trong tác phẩm của mình là dòng sông Thái Bình, hay nói một cách chính xác là hạ lưu sông Thái Bình đoạn từ Quý Cao chẩy qua khu vực các xã Tiên Tiến, Khởi Nghĩa, Tiên Thanh, Kiến Thiết, Đoàn Lập, Tiên Minh và đổ ra biển.
Thập kỷ đầu thế kỷ XVIII. Những di tích được kể ra ở trên có thể được coi là vết tích còn lại của vùng cửa sông Thái Bình khoảng thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, mà cũng chính là cửa từ biển vào của dòng kênh hay dòng sông được người phương Tây mệnh danh là Domea. Trong khu vực được quan niệm thuộc vùng “đầu Mè” và ở ngay bên bờ sông Thái Bình (được người phương Tây gọi là dòng sông Domea) ấy, có làng là An Hỗ (nay gọi là An Dụ) thuộc xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng là làng nổi tiếng giầu có và tài buôn bán nhất trong vùng. Chúng tôi xếp làng An Hỗ vào khu vực “đầu Mè” vì trong thực tế An Hỗ chỉ cách bến đò Mè là địa danh quan trọng nhất của vùng Mè khoảng 3 cây số. Hơn nữa, trong quan niệm dân gian “Mè” là khu vực khá rộng bao gồm nhiều làng “An” ở cuối huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) và ở đầu huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) như An Đường, An Hưng, An Hỗ, An Tân, An Tứ, An Lao, An Định, An Quý, An Thổ, An Dụ (An Hỗ), An Tử Thượng, An Mỗ.
Khu vực “đầu Mè” hay “đuôi Mè” không có ranh giới cố định mà chỉ là quan niệm dân gian hết sức tương đối. Có lẽ một phần vì đất An Hỗ trước đây rộng hơn nhiều so với hiện nay và phía Bắc và Tây Bắc của An Hỗ là dòng sông và vịnh cổ, đất trũng không có làng xóm cho nên trong khi vẽ bản đồ huyện Tiên Minh, sách Đồng Khánh địa dư chí đã đưa làng An Hỗ và tổng Ninh Duy lên gần sát ngã ba Quý Cao và sông Đò Mè, hay tổng Ninh Duy sát liền với tổng Đại Công khi vẽ về phủ Nam Sách. Có thể hình dung “Đò Mè” lúc đầu chỉ là tên riêng của một đoạn trung lưu sông Thái Bình ở khu vực nông trường Quý Cao hiện nay, nhưng lâu dần đã trở thành tên gọi chung cho toàn bộ đoạn sông Thái Bình ở phía Tây Bắc huyện Tiên Lãng. Người phương Tây đến Đàng Ngoài bằng thuyền đã mượn địa danh hết sức quen thuộc này để ghi dấu dòng sông, ghi dấu ngã ba sông tầu thuyền thường qua lại với bến thuyền họ buông neo và làng xóm họ lưu lại sinh sống, buôn bán. Domea ra đời trong bối cảnh như thế, hẳn là không thể không có nguồn gốc gián tiếp từ địa danh “Đò Mè”.
Hạ lưu sông Đàng Ngoài thế ký XVII. Bản của công ty Đông Ấn Anh
Khu vực hạ lưu sông Thái Bình ngày nayXã Khởi Nghĩa theo nghiên cứu của Trần Đức Thạnh thì lại nằm ở đầu một đê cát cổ cao 4,5 m. Phía trong đê cát là một cái vịnh cổ chiếm gần như toàn bộ diện tích của khu vực ngã ba sông Mới sông Thái Bình phần phía bắc xã Tiên Tiến, xã Tiên Cường, khu vực làng Đại Công hiện nay và cả khu cánh đồng Lác thuộc xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo. Phía nam của Khởi Nghiã cũng là cả một hệ thống đồng trũng, đầm lầy kéo dài đến đầu đê cát cổ nằm chắn ngang cửa sông Thái Bình, bên tả là Nam Am, Ngải Am (huyện Vĩnh Bảo) còn bên hữu là Phương Đôi Tiên Minh (huyện Tiên Lãng) mà Trần Đức Thạnh xếp vào hệ đê cát 3 cao từ 2m đến 2,5 m. Địa hình tự nhiên thuận lợi ấy đã đặt An Dụ vào vị trí có tầm quan trọng đặc biệt ở vùng hạ lưu và cửa sông Đàng Ngoài. Bản đồ sông Đàng Ngoài vẽ năm 1728 (La Riviere de Tonquin) lưu trữ tại Công ty Đông ấn Hà Lan vẽ đường tầu ra vào sông Đàng Ngoài, trong đó có thể nhận ra một cách dễ dàng đấy là vùng cửa biển, hạ lưu sông Thái Bình và đoạn sông Luộc tiếp nối từ ngã ba Quý Cao lên đến khoảng phía trên cửa sông Hoá (tức là phía trên thị trấn Ninh Giang hiện nay). Đoạn từ cử biển đi vào qua chỗ cửa sông An Thổ đổ vào sông Luộc, được đánh dấu khá cụ thể và chính xác độ sâu của dòng sông, xác nhận loại tầu thuyền lớn của phương Tây chỉ có thể lên đến địa đầu của xã Hà Thanh huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) mà thôi. Tại vị trí bờ bên phải, phía dưới ngã ba Quý Cao có đánh dấu địa danh Domay (là cách viết khác của Domea). Vị trí này tương đương với khu vực cửa sông Domea mà William Dampier cho biết toạ độ chính xác 20 độ 45 phút. Sông Đò Mè hoà dòng với sông Luộc ở Quý Cao, tạo thành vịnh nước lớn rồi đổ vào hạ lưu sông Thái Bình ở khu vực phía dưới cống Rỗ (xã Tiên Tiến), liền sát cánh đồng cực Bắc của thôn An Dụ xã Khởi Nghĩa. Khu vực này và cánh đồng cực bắc của thôn An Dụ xã Khởi Nghĩa qua ảnh vệ tinh và qua quan sát trên thực địa hoàn toàn có thể xác định là vùng ngã ba sông. Tại cánh đồng và khu vực xóm 1 thôn An Dụ vẫn còn nhận thấy dấu tích một hệ thống bến cảng, khu buôn bán và cư trú như bến ốc, bến Tháp Giang, chùa Vàng, cầu Bạc với một hệ thống giếng nước cổ (chúng tôi đoán là để cung cấp nước ngọt cho tầu thuyền), nhiều dấu tích phế tích kiến trúc, gạch ngói, ngói ống, gạch Bát Tràng, đồ gốm sứ có niên đại thế kỷ XVI, XVII, XVIII trải rộng trên phạm vi đến cây số vuông với tầng văn hoá có chỗ sâu gần 2 m.
Năm 2002, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hoá (nay là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển) phối hợp với Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Sở Văn hoá Thông tin thành phố Hải Phòng tiến hành đào thám sát khảo cổ học 2 hố, mỗi hố rộng 10 m2, tại hai địa điểm cách nhau khoảng 50 m. Hố 1 ở nằm trong làng có 4362 hiện vật, hố 2 nằm ở khu Đa Chợ có 3490 hiện vật. Sơ bộ phân loại có 2493 mảnh sành vỡ, 2068 mảnh ngói vỡ, 1951 mảnh gốm vỡ không có men, 950 mảnh gốm vỡ có men và 120 mảnh gạch vỡ. Theo các chuyên gia nghiên cứu thì hầu hết các hiện vật gốm ở đây đều thuộc dòng gốm xuất khẩu Chu Đậu niên đại thế kỷ XVI- XVII.Ngày 7 tháng 2 năm 2007 (20 tháng Chạp năm 2006) ông Nguyễn Đức Cải 46 tuổi ở xóm 1 thôn An Dụ thuê máy xúc vét bùn ở cạnh cửa phía bên trong cống Bến ốc đầu xóm 1 (khu vực mà dân gian xác nhận là một trong hai bến chính của làng An Dụ) đã phát hiện rất nhiều mảnh vỡ gốm thương mại, có cả ông bình vôi, bình hoa, lon sành (phế phẩm), đồ đất nung có trang trí, nhiều mảnh ván gỗ và rất nhiều tiền tiền kẽm xâu thành dây đã bị kết lại. Trước đó ông Cải và người trong xóm đào ao hay cải tạo khu vực này cũng đã đào đi vô vàn các hiện vật tương tự.Nằm cạnh Bến ốc, khu vực bến Tháp Giang liền sát bờ sông Thái Bình, theo nhân dân địa phương loại hiện vật như đã phát hiện được ở bến ốc còn dầy đặc hơn. Bến Tháp Giang còn có tên là bến An Tháp vì ngay trên bến là Chùa Tháp của làng An Dụ. Bến An Tháp thôn An Dụ nằm trên con đường giao thông thuỷ nối liền Đông Kinh với Dương Kinh (từ Đông Kinh qua sông Hồng, sông Luộc, sông Thái Bình (sông Lôi) ra cửa Văn úc và vào Cổ Trai), nên từ đầu thế kỷ XVI đã là một bến sông có tiếng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép vào tháng 4, mùa hạ năm 1527 vua Lê (Cung Hoàng) sai người: “cầm cờ tiết, mang kim sách, mũ áo, ô lọng, đai ngọc, kiệu tía, quạt hoa, tán tía đến làng Cổ Trai huyện Nghi Dương, tiến phong Mạc Đăng Dung làm An Hưng Vương, gia thêm Cửu Tích, Đăng Dung đón tiếp ở bến đò An Tháp, huyện Tân Minh”
Hiện vật khai quật ở khu Đa Chợ
Những di vật còn lại ở bến ốc, bến Tháp và khu vực cảng bến An Dụ cũng góp phần xác nhận vị trí trọng yếu của bến Tháp ngay từ các thế kỷ XV, XVI. Nhận rõ vị trí thuận lợi của khu vực thôn An Dụ, rất có thể ngay từ thời Mạc và nhất là trong thời Lê - Trịnh, các nhà nước phong kiến Việt Nam đã sử dụng hệ thống cảng bến này thành cảng cửa khẩu kiểm tra, kiểm soát và phục vụ, dịch vụ cho tầu thuyền và các hoạt động thương mại của người nước ngoài. Tư liệu tuy chưa khai thác và tập hợp được đầy đủ, nhưng cho đến nay cũng có thêm cơ sở để tin rằng chiếc neo thuyền đặt ở phía dưới cửa sông (cũng là ở phiá dưới và gần liền với toạ độ 20 độ 45 phút) trong bản đồ Sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII là một chỉ dẫn về vị trí chính xác của các bến ốc và Tháp Giang thôn An Dụ, xã Khởi Nghĩa
Hiện vật thu thập được ở bến ỐcThông qua việc sơ bộ tập hợp và phân tích tư liệu bản đồ và thư tịch cổ phương Tây cùng với việc tiến hành khảo sát thực địa, khai quật thăm dò, chúng ta đã có cơ sở bước đầu để xác định dòng kênh (hay dòng sông) được người phương Tây mệnh danh là Domea tương đương với dòng sông Thái Bình hiện nay; bến thuyền và đầu mỏm đất hình quả xoài nằm chắn ngang cửa sông ở toạ độ 20 độ 45 phút, mang dòng chữ Domea không thể nằm ngoài khu vực bến sông và đê cát cổ là khu dân cư và cánh đồng thôn An Dụ, xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Hy vọng rồi đây chúng tôi sẽ có cơ hội được hợp tác với các nhà nghiên cứu Việt Nam ở trong nước và trên thế giới tổ chức các cuộc điều tra nghiên cứu quy mô trên mặt đất và nhất là trong lòng đất để có thể xác định vị trí chính xác của cảng/ bến, thị trấn Domea và phục dựng được một cách tương đối đầy đủ và khách quan hình ảnh của một cảng cửa khẩu quốc tế đã mất.Dân gian thường nói: “Tiền An Hỗ, cỗ Phú Kê” để nói đây là làng buôn bán giầu có nhất trong vùng. Làng An Hỗ có 4 địa điểm quan trọng đối với người buôn là “Chùa Vàng, cầu Bạc, bến Tháp, đình Ngang”. Chùa Vàng, cầu Bạc là nơi để của; bến Tháp là trung tâm buôn bán; đình Ngang là nơi thờ Đức Ông rất linh thiêng, người buôn bán thường hay đến đó cầu cúng. Gần cầu Bạc, ở đầu làng An Tử (sát liền An Hỗ, cùng xã Khởi Nghĩa) có miếu cổ nằm lẫn trong gốc cây đề cổ thụ, thờ người đi buôn bị đắm thuyền chết. An Hỗ cũng là làng đầu tiên và chủ yếu trên toàn địa bàn huyện Tiên Lãng trồng các loại rau có nguồn gốc phương Tây như bắp cải, su hào, súp lơ, xà lách… Truyền thống này có thể được mở đầu bằng việc học tập kinh nghiệm trồng trọt của người Hà Lan và phục vụ trước hết cho chính các thuỷ thủ Hà Lan như ghi chép của William Dampier về làng Domea hồi cuối.
Nguồn: Sưu tầm (VH-XH)