Đồng chí Nguyễn Văn Sơ – Người đảng viên cộng sản đầu tiên
Đồng chí Nguyễn Văn Sơ (nhân dân thường gọi Lý Bá Sơ) sinh năm 1897 tại làng Ninh Duy, xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng. Xuất thân từ một gia đình nông dân, bố đẻ là cụ Nguyễn Khắc Dị làm nghề dạy học ở thôn. Hồi nhỏ ông Nguyễn Văn Sơ học chữ Hán ở trường làng, siêng năng, thích nghe đọc những mẩu chuyện về lịch sử và các doanh nhân, anh hùng dân tộc.
Làm lý trưởng làng Ninh Duy nhưng vốn tính cương trực và giàu lòng nhân ái, ông chán chức lý trưởng và mỉa mai bài xích bọn quan lại, hào lý ở địa phương. Năm 1927, ông chống lại việc lạm thu thóc thuế của bọn lý dịch, vận động nhân dân không nộp thuế và đòi lại số tiền lạm thu vụ trước. Đầu năm 1928, các cán bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Hải Phòng tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho đồng chí Nguyễn Văn Sơ. Ông tự nguyện gia nhập tổ chức và nhân ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga năm đó ông tổ chức anh em treo cờ búa liềm, rải truyền đơn, dán khẩu hiểu ở cây thông đầu làng Ngọc Động (Tiên Thanh), cây đề sau cổng huyện đường, kêu gọi quần chúng đứng lên đấu tranh đánh đổ đế quốc, đánh đổ thổ hào, lấy ruộng đất chia cho dân nghèo. Cờ đỏ và truyền đơn lần đầu xuất hiện ở Tiên Lãng thu hút các tầng lớp nhân dân. Bọn cường hào không thể ngờ chính lý trưởng làng Ninh Duy là người treo cờ cộng sản.
Cuối năm 1929, thực dân Pháp bắt cán bộ cấp trên là Hồ Ngọc Lân và Hoàng Khắc Trung là người nói tiếng miền Trung nhưng lại mang thẻ căn cước ở Ninh Duy (Tiên Lãng) do lý trưởng Nguyễn Văn Sơ cấp. Bọn lính kéo đến bao vây làng Ninh Duy, càn quét, chặt trụi cây cối, dỡ nhà, sục sạo tìm bắt đồng chí Nguyễn Văn Sơ. Nhưng đồng chí được tổ chức báo tin láng sang Thanh Hà (Hải Dương), sau đó đi Nam Định làm trong nhà in. Tại đây, đồng chí cùng anh em hoạt động rất tích cực, ngoài giờ làm bí mật đi rải truyền đơn, phân phát tài liệu cho cơ sở. Một thời gian sau, tổ chức đưa đồng chí lên Hà Nội làm việc trong Liên đoàn công nhân kéo xe tay. Một thời gian sau, tổ chức đưa đồng chi lên Hà Nội làm việc trong Liên đoàn công nhân kéo xe tay. Do sự cố gắng tích cực của bản thân và được tổ chức giúp đỡ, tháng 5-1930, đồng chí Nguyễn Văn Sơ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam - người đảng viên đầu tiên của Đảng bộ huyện Tiên Lãng. Cuối tháng 5-1930, đồng chí bị mật thám theo dõi và bắt ở Hải Phòng, bị kết án tù khổ sai chung thân đi đày ở Côn Đảo. Đồng chí Nguyễn Văn Sơ bị địch giam ở “banh” 2 cùng đồng chí Hạ Bá Cang, Lê Thanh Nghị. Cuối năm 1936, đồng chí được ân xá, do phong trao Mặt trận bình dân Pháp và kết quả đấu tranh của nhân dân ta. Đồng chí trở vè quê hương tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1937, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần hai. Sáu tháng sau, do kết quả đấu tranh của nhân dân và anh em tù chính trị, thực dân Pháp phải trả lại tự do cho đồng chí. Về địa phương, đồng chí bắt liên lạc với tổ chức tiếp tục hoạt động. Cuối năm 1939, địch lại bắt đồng chí Sơ lần ba. Ba lần bị địch bắt, mười hai năm bị giam ở các nhà tù: Hỏa Lò, Bá Vên, Phấn Mễ, Chợ Chu, Bắc Mê, Lao Bảo, Sơn La, Côn Đảo. Mặc dù bị địch tra tấn dã man, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết người đảng viên cộng sản. Cuối năm 1943, đồng chí thoát khỏi nhà tù, trở về địa phương tiếp tục hoạt động cách mạng, tích cực chuẩn bị cho phong trào khởi nghĩa giành chính quyền ở Tiên Lãng, ra sức xây dựng cơ sở cách mạng và phong trào quần chúng nhân dân. Ngày 19-8-1945, huyện Tiên Lãng giành chính quyền thắng lợi. Ủy ban cách mạng lâm thời do đồng chí Nguyễn Văn Sơ làm Chủ tịch. Tiếp đó, đồng chí được bầu là đại biểu Quốc hội khóa 1 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 15-2-1946, hội nghị thành lập chi bộ Đảng huyện Tiên Lãng (tiền thân của Đảng bộ huyện), đồng chí Nguyễn Văn Sơ được bầu làm bí thư chi bộ Đảng đầu tiên của huyện. Ngày 24-4-1946, Hội đồng nhân dân bầu đồng chí làm Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện.
Đồng chí giữ nhiều chức vụ, làm Tổng trụ trách trại giam của Trung ương. Sau hòa bình lập lại, đồng chí làm công tác cứu tế xã hội của Bộ Nội vụ, Bí thư Đảng bộ Nông trường Thành Tô, Giám đốc Bảo tàng thành phố. Năm 1972, đồng chí về nghỉ hưu ở quê nhà, mất năm 1975, thọ 78 tuổi.
Người đảng viên cộng sản đầu tiên, Bí thư chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Tiên Lãng, suốt đời hoạt động không mệt mỏi, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng chí làm rạng rỡ thêm trang sử vẻ vang, hào hùng của Đảng bộ và nhân dân Tiên Lãng nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung. Năm 1998, đồng chí được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.
L.Q.P