Tiên Lãng giành chính quyền cách mạng tháng 8/1945
Tiên Lãng là huyện ven biển, kinh tế chủ yếu là sản xuất
nông nghiệp. Dưới chế độ phong kiến, người dân phải chịu nhiều thứ thuế vô lý
đè nặng lên vai người lao động như thuế thân, thuế điền thổ. Thuế trở thành nỗi
khổ cực cho người nghèo. Trong tiếng trống dồn dập canh khuya của quan lại thu
thuế, ai không nộp đủ thuế lập tức bị gông cùm tra khảo...Giáo dục y tế không
được chú ý, cả huyện chỉ có một trường kiêm bị (trường tiểu học), một số tổng mở
trường sơ học yếu lược (trường hương sư). Hầu hết con em lao động nghèo không
được đi học, hơn 90% người dân mù chữ. Về y tế, cả huyện có một nhà thương và một
nhà hộ sinh. Người dân đau ốm không có thuốc chữa bệnh, nạn dịch bệnh tràn lan,
nhất là dịch đậu mùa, thổ tả, thương hàn...là mối đe doạ thường xuyên đến tính
mạng con người. Tình hình an ninh trật tự do đói kém, trộm cắp nổi lên ở nhiều
nơi. Ở Kinh Khê có nhóm lưu manh trộm cắp của dân nhưng chính quyền bất lực.
Nhân dân căm phẫn đành chịu.
Tình hình kinh tế - xã hội trên đã dẫn đến mâu thuẫn gay
gắt giữa nhân dân mất ruộng bị áp bức bóc lột, với thực dân cướp nước và phong
kiến tay sai. Giải quyết mâu thuẫn ấy không còn cách nào khác là phải vùng lên
đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp mà động lực chính là giai cấp
công nhân đã lớn mạnh và giai cấp nông dân đông đảo dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Được ánh sáng của Đảng soi sáng, người thanh niên Nguyễn Văn Sơ ở Ninh Duy (Khởi
Nghĩa) tuy làm lý trưởng nhưng ông luôn bênh vực người nghèo, phản đối ức hiếp
nhân dân. Ông vận động nhân dân đấu tranh đòi lại số tiền bọn lý dịch thu đóng
thêm (vụ mùa năm 1927 thuế ruộng nộp 2,39 đồng/mẫu, nhưng dân phải nộp 3 đồng),
số tiền trên lạm thu, bọn lý dịch chia nhau hưởng. Nắm được tình hình nông dân
Ninh Duy đấu tranh, cấp trên cử cán bộ về bắt mối tuyên truyền cách mạng. Ông
Nguyễn Văn Sơ được tuyên truyền, giác ngộ cách mạng. Năm 1928, ông Nguyễn Văn
Sơ được kết nạp vào tổ chức Thanh Niên và đến tháng 5/1930 được kết nạp vào Đảng.
Ông tích cực hoạt động treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn ở làng Ngọc Động,
Trung Lăng, Ngân Cầu, chợ Đôi, chợ Đầm...Truyền đơn kêu gọi quần chúng đứng lên
đánh đổ đế quốc, giành độc lập, đánh đổ thổ hào lấy ruộng đất chia cho dân cày.
Cờ đỏ và truyền đơn lần đầu tiên xuất hiện ở Tiên Lãng, đã thu hút sự chú ý của
mọi tầng lớp nhân dân. Bọn cường hào ở địa phương, không thể ngờ chính lý trưởng
Nguyễn Văn Sơ là người treo cờ cộng sản. Đường lối cách mạng vô sản từng bước
được truyền bá và xâm nhập vào Tiên Lãng, hấp dẫn mạnh mẽ thanh niên yêu nước ở
địa phương. Đồng chí Nguyễn Văn Sơ tập hợp những thanh niên yêu nước ở Ninh
Duy, kết nạp họ vào tổ chức Thanh Niên. Ngọn lửa cách mạng đầu tiên được nhen
lên ở Tiên Lãng, mở ra hướng đi đúng đắn cho phong trào đấu tranh từ những năm
1929 -1930. Nghị quyết hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5/1941) được chiếu
sáng tới các địa phương, “Giải phóng dân tộc là mục tiêu duy nhất của cách mạng
Đông Dương, chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng toàn dân ta
trong giai đoạn hiện tại, nhằm tập hợp mọi lực lượng, khả năng yêu nước, chĩa
mũi nhọn vào kẻ thù chủ yếu của dân tộc”. Các địa phương chuẩn bị xây dựng tổ
chức Việt minh, phát động quần chúng đấu tranh.
Đầu năm 1942, cán bộ Việt Minh từ Thuỵ Anh (tỉnh Thái
Bình) về xóm Yên (ấp Thái Bình, Vinh Quang) bất mối xây dựng cơ sở, sau đó từ
xóm Yên phát triển sang xóm Kim, xóm Kỳ. Chỉ sau ít lâu tổ chức Việt Minh ấp
Thái Bình được thành lập, bước đầu có 8 cán bộ nòng cốt lãnh đạo phong trào. Hội
viên Việt Minh đi các xóm rải truyền đơn, tài liệu tố cáo tội ác của địa chủ thực
dân kêu gọi đồng bào đứng lên đấu tranh.
Từ năm 1943 phong trào Việt Minh ở tổng Ninh Duy phát triển
có ảnh hưởng đến các xã khác. Đồng chí Nguyễn Văn Sơ sau 2 lần bị địch bắt cầm
tù, tháng 11/1943 đồng chí thoát khỏi nhà tù đế quốc, về địa phương bắt mối
liên lạc với cán bộ Việt Minh tỉnh, phát triển tổ chức Việt Minh ở Tiên Lãng tới
các làng xóm, tổ chức quần chúng.
Đầu năm 1944, một số cán bộ từ Kim Sơn (Kiến Thuỵ) sang ấp
Thái Bình (Vinh Quang) gây dựng cơ sở Việt Minh. Nhờ đó số lượng hội viên ấp
Thái Bình tăng mạnh. Cùng với tổng Ninh Duy, ấp Thái Bình trở thành một trong
những trung tâm cách mạng của huyện Tiên Lãng. Vụ mùa năm 1944, Việt Minh ở Ninh
Duy vận động nông dân không nộp thuế đạt kết quả. Nông dân không phải nộp 31 tấn
thóc nên rất phấn khởi, tiếp đó cuối năm 1944, Việt Minh vận động nông dân đấu
tranh đòi bọn lý dịch trả số thóc nghĩa sương tham ô từ trước. Bọn chúng sợ hãi
buộc phải trả cho dân 6 tấn thóc chia cho dân nghèo.
Được sự tăng cường lãnh đạo của Đảng, Ban cán sự Việt Minh
tỉnh Kiến An cử đồng chí Nguyễn Hải về Tiên Lãng tham gia chỉ đạo phong trào
cách mạng. Ngày 14/4/1945, huyện bộ Việt Minh Tiên Lãng thành lập. Ban lãnh đạo
có các đồng chí Nguyễn Hải, Vũ Đa Phúc, Nguyễn Văn Sơ...Huyện bộ Việt Minh đề
ra nhiệm vụ phát triển các đoàn thể cứu quốc, củng cố và phát triển tự vệ, đẩy
mạnh sản xuất, phá kho thóc cứu đói...
Cơ sở Việt Minh phát triển rộng khắp ở nhiều làng xã, thu
hút nhân dân tham gia khối đoàn kết. Nhiều xã thành lập đội tự vệ và phát động
phong trào quyên góp mua sắm vũ khí. Tự vệ tích cực rèn đao, kiếm, mã tấu và
hăng hái luyện tập quân sự, canh phòng thôn xóm. Gia đình ông Vũ Đa Phúc ở
Cương Nha (Khởi Nghĩa) là cơ sở in tài liệu, truyền đơn, biểu ngữ của tỉnh được
cán bộ Việt Minh đem rải nơi đông người tuyên truyền chính sách của Mặt trận Việt
Minh.
Khí thế cách mạng của quần chúng đang lên cao thì xẩy ra
nạn đói khủng khiếp tháng 3/1945, làm cho trên 6.000 người dân Tiên Lãng chết
đói. Thực hiện chủ trương của Đảng “Phá kho thóc giải quyết nạn đói”, Huyện bộ
Việt Minh vận động nhân dân phá kho thóc của địa chủ ở các địa phương chia cho
dân nghèo.
Tháng 5/1945 tự vệ Kim Sơn (Kiến Thuỵ) nổi dậy lật đổ bộ
máy áp bức bóc lột, thành lập chính quyền nhân dân, tự vệ ấp Thái Bình vượt
sông Văn Úc sang dự mít tinh chào đón Uỷ ban dân tộc giải phóng Kim Sơn ra mắt
đồng bào. Trước khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân, tri huyện Nguyễn
Đình Tại hoang mang lo lắng. Đồng chí Nguyễn Văn Sơ cử người gặp tri huyện thuyết
phục ông ta nhận lời ủng hộ cách mạng. Ngày 06/8/1945 tự vệ Ninh Duy, Cương
Nha, Phú Kê, Cựu Đôi... kéo vào huyện lỵ gặp tri huyện Nguyễn Đình Tại ra lệnh
cho bọn lính cơ nộp súng. Anh em thu được 10 khẩu súng trường, còn lại 4 khẩu
tri huyện xin lại để cầm canh che mắt cấp trên. Tiếp đó ngày 10/8 tự vệ các
thôn trên phối hợp với tự vệ Vĩnh Bảo đánh úp 2 thuyền dầu lạc của Nhật ở bến
Quý Cao thu 30.000 lít và đường, xà phòng. Một phần chiến lợi phẩm chia cho
nông dân, phần còn lại bán lấy tiền mua vũ khí. Phong trào cách mạng sôi nổi đều
khắp trong huyện. Ở nhiều làng xã Việt Minh hoàn toàn chủ động điều hành công
việc. Chính quyền từ huyện đến xã hầu như bị tê liệt, rệu rã. Bọn địa chủ tay
sai hết sức hoang mang sợ hãi.
Ngày 09/8/1945, Hồng quân Liên Xô tiêu diệt đạo quân Quan
Đông của Nhật ở Mãn Châu. Ngày 13/8, Nhật buộc phải tuyên bố đầu hàng đồng
minh. Thời cơ ngàn năm có một của cách mạng Việt Nam đã đến. Nắm vững sự chỉ đạo của
Trung ương, ngày 14/8 Tỉnh bộ Việt Minh Kiến An thành lập Ban lãnh đạo khởi
nghĩa. Ngày 15/8 Việt minh giành chính quyền ở Kiến Thuỵ thắng lợi. Tin vui đưa
về Tiên Lãng. Đồng chí Nguyễn Hải triệu tập cuộc họp lãnh đạo quyết định khởi
nghĩa giành chính quyền ở Tiên Lãng.

Giờ hành động đã điểm, sáng 19/8/1945 tự vệ Ninh Duy,
Cương Nha, Cựu Đôi, Phú Kê, ấp Thái Bình kéo đến, tự vệ Kiến Thuỵ tiến sang
cùng đông đảo quần chúng rầm rập tiến vào huyện đường. Tri huyện Nguyễn Đình Tại
không dám chống lại, đem toàn bộ ấn tín, hồ sơ tài liệu nộp cho cách mạng. Đồng
chí Nguyễn Hải tuyên bố xoá bỏ chính quyền đế quốc phong kiến, chính quyền cách
mạng về tay nhân dân. Cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, lá cờ quẻ ly bị vứt bỏ,
kèm theo sự sụp đổ của chính quyền tay sai.
Ngày 20/8/1945, nhân dân các xã trong huyện kéo về huyện
lỵ dự mít tinh chào đón Uỷ ban cách mạng lâm thời huyện do ông Nguyễn Văn Sơ
làm chủ tịch. Cuộc mít tinh trong không khí tự hào, phấn khởi. Nét mặt mọi người
rạng rỡ một niềm tin hướng về tương lai tươi sáng./.
L.Q.P