Cụm Đình Chùa Giang Khẩu nơi lưu giữ những giá trị lịch sử văn hoá tín ngưỡng của đất và người xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng
Nằm trong quần thể Di tích lịch sử Văn hóa của huyện Tiên Lãng nói chung và xã Đại Thắng nói riêng, Cụm Đình Chùa Giang Khẩu còn là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử văn hoá tín ngưỡng của đất và người xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng. Cụm Đình Chùa Giang Khẩu là điểm du lịch tâm linh của quý khách thập phương.
Đại Thắng là một xã ở phía Tây Bắc huyện Tiên Lãng, nằm bên hữu ngạn sông Văn Úc thuộc đồng bằng Bắc Bộ, phía bắc giáp huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, phía tây giáp huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, phía đông và nam giáp xã Tiên Cường, phía đông bắc giáp xã Quang Trung, huyện An Lão.
Cụm Đình Chùa Giang Khẩu được xây dựng từ năm 1648. Lúc đó có hai ngôi đình gọi là đình trong và đình ngoài. Mỗi ngôi đình có 5 gian, có một gian vọng cung, 3 gian giải vũ quay hướng tây nhìn ra sông Thái Bình theo kiến trúc truyền thống dựa trên nguyên tắc thuật phong thuỷ. Ngôi đình từ trước được thờ 4 vị Thành Hoàng làng đó là Đinh Lang Đại Vương, Nam Hải Đại Vương, Tứ Lương Đại Vương và Đổng Tĩnh Đại Vương là những người giúp vua đánh giặc, giúp cho dân làng có cuộc sống yên ổn, ấm no. Cụm Đình Chùa Giang Khẩu được các đời vua cấp 3 sắc phong. Đến thời điểm hiện nay Cụm Đình Chùa còn lưu giữ được 3 di vật cổ như Long Đình hoa văn, hoạ tiết ở gian vọng cung từ đời Hậu Lê.

Phía đông Đình là ngôi chùa vẫn được lưu giữ được nguyên vẹn của thủa khai sinh xây dựng. Đến nay ngôi chùa cổ đã xuống cấp dân làng, các phật tử thập phương đã công đức tu sửa và bảo toàn nguyên vẹn ngôi chùa cổ, đồng thời xây sửa mới thêm các hạng mục đảm bảo khang trang tô thêm cảnh quan của khu di tích được đàng hoàng đẹp đẽ.
Phía trước chùa có 2 ngôi tháp cổ bên trong là 2 phần mộ của 2 vị sư chủ trì ở chùa, đó là Giác Linh Hoà Thượng và Sư Thúc Hoà Thượng. Trong kháng chiến chống Pháp Giác Linh Hoà Thương đã theo đoàn quân Nam tiến chiến đấu bảo vệ độc lập tổ quốc và đã anh dũng hi sinh. Sau này hoà thượng được truy tặng danh hiệu liệt sỹ.
Nằm ở phía đông ngôi chùa là nhà thờ tổ đường nơi có bài vị thờ các vị hậu thần và các vị sư đã mất ở chùa.
Di sản lớn nhất còn được lưu giữ Cụm Đình Chùa làng là hệ thống các văn bia cổ. Theo khảo sát của các nhà khảo cổ nghiên của Hán nôm đây là hệ thống văn bia lâu đời nhất trên địa bàn huyện Tiên Lãng và các vùng lân cận.

Các văn bia cổ còn lưu giữ tại Đình
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp Cụm Đình Chùa Giang Khẩu còn ghi giữ lại chính tích lịch sử bọn địa chủ phong kiến bắt trói những người dân lương thiện chậm đóng sưu thuế, giặc Pháp bắt bớ dân làng ra Đình tra khảo tìm tung tích cán bộ việt minh. Năm 1946 hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, để phục vụ cách mạng ngôi đình ngoài được tiêu thổ kháng chiến. Trong giai đoạn cả nước đánh Mỹ ngôi đình trong và 3 gian giải vũ tháo dỡ. Theo điều kiện hiện tại vào những năm 1967- 1968 chỉ còn lại một gian vọng cung. Trải qua thời gian lịch sử khu vực bên Đình bị xuống cấp, cho tới năm 2002 theo nguyện vọng của dân làng đã đóng góp công của kiến thiết xây dựng lại ngôi Đình hiện nay.
Năm 2019 được sự quan tâm của Thành Phố Hải Phòng đã hỗ trợ kinh phí tu sửa, tôn tạo di tích Đình Giang Khẩu. Ngoài ra kêu gọi nhân dân, khách thập phương, phật tử công đức xây dựng tu tạo Cụm di tích Đình Chùa khang trang đẹp đẽ.
Thể theo nguyện vọng của nhân dân làng Giang Khẩu và quý khách thập phương, hàng năm duy trì Lễ Hội truyền thống Đình làng Giang Khẩu trong 2 ngày (ngày 9, 10 tháng Giêng âm lịch) và hàng năm nâng tầm Lễ hội sẽ được để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và khách thập phương. Trong Lễ hội có các hoạt động Tế, Lễ, dâng hương của các dòng họ, dân làng và du khách thập phương, các hoạt động văn nghệ, thể thao được tổ chức trong lễ hội.